Trung tâm y tế dự phòng nỗ lực cho sự nghiệp "Vì sức khỏe cộng đồng"
Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến tương đối phức tạp song công tác y tế dự phòng ở tỉnh Sóc Trăng luôn nhận được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan như Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng và Môi trường, Sở Y tế,… Bên cạnh đó, cộng với sự nỗ lực của Trung tâm Y tế Dự phòng nên Sóc Trăng đã khống chế kịp thời một số loại bệnh dịch nguy hiểm như cúm A/H1N1, sốt xuất huyết, tay – chân - miệng,….
Trung tâm Y tế Dự phòng là đơn vị trực thuộc Sở Y tế có nhiệm vụ quản lý và tổ chức thực hiện công tác y tế dự phòng trong toàn tỉnh. Trung tâm có 02 phòng chức năng và 06 phòng chuyên môn; có đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm gồm 55 người, trong đó biên chế 46 người (có 7 bác sĩ chuyên khoa I). Mặc dù đội ngũ cán bộ của Trung tâm còn ít so với địa bàn của tỉnh nhưng với tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn cao, tập thể đơn vị luôn phấn đấu trong công tác dự phòng để khống chế dịch bệnh và không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn.
Để kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, Trung tâm đã triển khai hệ thống giám sát dịch bệnh một cách thường xuyên, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và trao đổi thông tin hai chiều với cơ sở, chủ động giám sát các chỉ số dự báo dịch, phát hiện dịch sớm và xử lý có hiệu quả. Thời gian qua, đơn vị cùng với mạng lưới y tế dự phòng các huyện, xã đã hoạt động tích cực, có hiệu quả. Hàng năm, có kế hoạch giám sát các ổ dịch cũ, điều tra môi trường, vận động nhân dân trong vùng thực hiện biện pháp phòng chống. Đặc biệt khi có dịch xảy ra, Trung tâm phối hợp kịp thời với cơ sở tổ chức điều tra, xác minh tìm nguyên nhân gây dịch, từ đó đề ra các biện pháp bao vây, dập tắt dịch kịp thời, cương quyết không để dịch bùng phát lan rộng và kéo dài. Bên cạnh đó, Trung tâm chỉ đạo các Trung tâm Y tế Dự phòng huyện/ thành phố tổ chức tốt các điểm tiêm phòng vắc-xin, tổ chức phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, sởi, uốn ván, ho gà, ... tiếp tục được khống chế, chất lượng ngày càng đi vào chiều sâu. Song song đó, các hoạt động như an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường, ... được truyền thông rộng rãi, kiểm tra thường xuyên, quản lý chặt chẽ đã góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo môi trường an toàn cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Đơn vị đã triển khai có hiệu quả việc quản lý vật tư, tài sản, kinh phí, bảo quản vắc-xin được đảm bảo an toàn; nhất là những trang thiết bị xét nghiệm mới được tiếp nhận từ dự án Hỗ trợ Y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được đưa vào sử dụng và đạt hiệu quả tốt.
Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ chuyên trách các tuyến y tế cơ sở; đặc biệt năm 2009, Trung tâm đã phối hợp với tuyến trên thực hiện tập huấn phác đồ điều trị cúm A/H1N1 cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 30/4 để công tác phòng chống cúm A/H1N1 có hiệu quả. Để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, đơn vị đã cử đi đào tạo 01 chuyên khoa II, 04 chuyên khoa I và 01 đại học. Trung tâm còn góp phần vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Ngành, đã triển khai nghiên cứu tổng hợp phân tích 6 đề tài, áp dụng nhiều sáng kiến sáng chế vào công tác chuyên môn.
Những hoạt động thiết thực của Trung tâm Y tế Dự phòng Sóc Trăng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đã được ghi nhận xứng đáng bằng những phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng như: Huân chương Lao động hạng ba (2002); Huân chương Lao động hạng nhì (2006); nhiều năm liền được công nhận là tập thể Lao động xuất sắc (2005 - 2009); 02 cá nhân được Nhà nước phong tặng Thầy thuốc ưu tú. Đây là nguồn động viên to lớn để tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm tiếp tục tận tâm cống hiến, nỗ lực cho sự nghiệp “vì sức khỏe cộng đồng”.
Trong thời gian tới, để có thể đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới là xã hội hóa công tác y tế dự phòng; phấn đấu đạt Chuẩn Quốc gia vào năm 2012; khống chế không để dịch lớn xảy ra, giảm tỷ lệ mắc và chết các bệnh truyền nhiễm gây dịch; tăng cường công tác phòng chống các bệnh không nhiễm trùng; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án và các công tác khác thuộc lĩnh vực y tế dự phòng,…